Site icon SODO66

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: ‘Bóng đá Việt Nam cần tái cấu trúc’

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Bóng đá Việt Nam cần tái cấu trúc trên nhiều phương diện” - Ảnh 1.

* Thể thao & Văn hóa: 

– Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Thẳng thắn nhìn nhận thì chặng khởi đầu V-League 2024/25 chưa đáp ứng được kỳ vọng của giới chuyên môn cùng người hâm mộ. Những tưởng sẽ có luồng gió hứng khởi hơn phả vào giải chuyên nghiệp, nhưng xem ra mọi thứ chưa như mong muốn, nếu không nói tình hình các sân cỏ ở 3 vòng đấu vừa qua chẳng mấy sôi động. Khán giả không quá xôm tụ, phong độ cầu thủ chưa tốt, chất lượng chuyên môn chưa cao, nhiều trận đấu cứ “tà tà”. Dễ thấy bóng đá mà vắng khán giả thì chán đến mức nào.

V-League và hạng Nhất vốn là chân đế, bệ phóng cho các ĐTQG. Nói cách khác, tương lai của một nền bóng đá phải dựa vào hệ thống giải chuyên nghiệp đủ mạnh về chất và lượng. Vậy nên, rất cần những biến chuyển tích cực, những đột phá từ hệ thống các giải đấu trong nước thời gian tới.

* Nhiều cầu thủ chất lượng, thậm chí là tuyển thủ quốc gia đã về đầu quân cho các CLB đang chơi tại giải hạng Nhất, đâu là những nhìn nhận của ông về hiện tượng “dòng nước ngược” này?

-Chưa bao giờ trong lịch sử giải hạng Nhất có sự góp mặt của nhiều tuyển thủ quốc gia như mùa giải năm nay.Điều này chắc chắn sẽ góp phần giúp giải đấu hấp dẫn. Sự hiện diện của các cầu thủ tên tuổi sẽ tạo sức hút, sự quan tâm của truyền thông, cũng như kéo khán giả đến SVĐ nhiều hơn, góp phần làm giải đấu sôi động hơn. Song phía sau đó là những vấn đề, câu chuyện “nóng” của bóng đá nước nhà.

Giới chuyên môn lo lắng, rằng ở một giải đấu mà tính cạnh tranh không cao, chất lượng chuyên môn thấp thì liệu các tuyển thủ có duy trì được phong độ, phục vụ tốt nhất choĐTQG?

Mối lo này không phải là không có cơ sở, bởi ở bất kỳ môn thể thao nào, VĐV muốn được trau dồi, hoàn thiện về mặt chuyên môn, phát huy hết khả năng thì cần được thi đấu trong một môi trường chuyên nghiệp nhất, cần phải được cọ xát với đối thủ có trình độ cao hơn hoặc ít nhất là tương đồng. Trong khi đó, khoảng cách, trình độ chuyên môn giữa giải hạng Nhất với V-League là khá xa.

Trường hợp của Công Phượng rất đặc biệt. Tiền đạo này kết thúc hợp đồng với Yokohama FC khi hạn đăng ký cầu thủ V-League đã hết, nên không có nhiều lựa chọn. 2 năm qua, Công Phượng tập luyện ở môi trường chuyên nghiệp, nhưng lại ra sân rất ít. Bởi vậy, được thi đấu lúc này đã là quý giá, trước tiên cứ lấy lại phong độ đã.

Còn với những tuyển thủ Việt Nam khác, họ cần cố gắng nhiều hơn. Thi đấu ở hạng Nhất tuy không bằng V-League, nhưng việc tiến bộ hay không phần lớn nằm ở ý chí từng người. Liệu khi đã đủ đầy về vật chất, họ còn muốn tập luyện và thi đấu cật lực để vươn tầm không? Nếu những tuyển thủ quốc gia không ngừng nỗ lực, giải hạng Nhất vẫn đáng xem và bản thân họ vẫn có thể cải thiện trình độ, dù không đơn giản.

* Theo ông, đâu là “thỏi nam châm” để một số đội bóng hạng Nhất lại hút những tuyển thủ quốc gia đến vậy?

– Vấn đề đặt ra là, ngoài tiềm lực thì những đội bóng như Trẻ TP.HCM, Trường Tươi Bình Phước có gì mà thu hút về mình nhiều cầu thủ chất lượng như thế. Đó có thể là những hứa hẹn cả trước mắt và lâu dài về tham vọng, mục tiêu lẫn phương thức hoạt động. Không khó để nhận ra rằng, Trẻ TP.HCM, Trường Tươi Bình Phước đang đi theo con đường mà HAGL đã khai phá cách đây hơn 20 năm, gần đây CLB CAHN đã tiếp nối để có thành công. Đó là một đội bóng cứ mỗi năm thăng một hạng và khi lên chơi V-League sẽ có chức vô địch ngay mùa đầu tiên. Hay ít nhất cứ vô địch giải hạng Nhất rồi tính tiếp, là hành trình phù hợp và rất thực tế.

Nói chung, cũng phải để giải hạng Nhất diễn ra, xem thử diễn biến thế nào rồi mới có thể có cái nhìn toàn diện về hiện tượng “nước chảy ngược” vừa qua. Đôi khi thấy vậy mà không phải vậy.

* Nhưng thực tế cũng đã minh chứng, không phải lúc nào lý thuyết “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cũng là con đường dẫn đến thành công cho các đội bóng?

– Ở những mùa giải gần đây, bóng đá Việt Nam chứng kiến nhiều đội bóng thành công theo kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nhưng không phải “gạo, tiền” là tất cả, càng không phải đó là con đường duy nhất để có thành công. Sự chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ, định hướng tổng thể ở mỗi CLB vẫn là mục tiêu cần được quan tâm khi làm bóng đá.

Việc các đội bóng đã bỏ dự giải hạng Nhất bởi cách làm “ăn xổi ở thì” nhiều năm qua đã chứng minh cho thực tế này. Dù trước đó cũng được tài trợ, đầu tư về lực lượng, nhưng khi các ông bầu gặp khó khăn về tài chính thì các đội bóng này sống “lay lắt” hoặc biến mất khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp nước nhà.

Cách làm của nhiều đội bóng là vung tiền mua cầu thủ giỏi khắp nơi về hòng đạt thành tích nhất thời, đánh bóng tên tuổi. Khi kết quả không như mong muốn, họ sa sút cả tinh thần cùng sự nhiệt tình đầu tư. Đấy không phải là cách làm bóng đá “thật”. Rất nhiều địa phương đã phải trả giá đắt do giao phó hết cho các ông bầu nhảy vào tài trợ, không chịu đầu tư đào tạo trẻ. Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn. Do đó, một CLB vững mạnh phải căn cứ vào những tiêu chí cốt lõi: Nền tảng đào tạo trẻ; tiềm năng tài chính; sự tâm huyết của các ông chủ được kiểm định trong thời gian dài.

* Đào tạo trẻ luôn là cái gốc của mỗi nền bóng đá nhưng hình như nền móng đó có phần “lung lay” sau những kết quả không tốt gần đây của các đội tuyển trẻ Việt Nam?

– Để có được những thế hệ cầu thủ chất lượng, bóng đá Việt Nam phải nâng cấp quá trình tuyển chọn, đào tạo. Cần phải đảm bảo đồng bộ 4 yếu tố cơ bản trong công tác đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ: Thứ nhất, phải có thầy giỏi chuyên môn và thương yêu học trò; Thứ 2, quy trình tuyển chọn, đào tạo khoa học, phù hợp với xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại; Thứ 3, điều kiện quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc cầu thủ trẻ phải chuyên nghiệp; Thứ 4, môi trường thi đấu có tính cạnh tranh cao.

Chúng ta không phủ nhận công tác đào tạo trẻ đã tốt lên nhưng việc tuyển chọn, đào tạo trẻ chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, vẫn còn nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm. Ngay cả với những đội chăm bẵm tốt cho lứa trẻ cũng không có quy trình đào tạo trẻ thống nhất trên toàn quốc, mỗi nơi làm một kiểu, không có quy chuẩn nào. Các nhà tuyển chọn, huấn luyện chưa thể đưa ra một công thức, triết lý đào tạo lối chơi mang tính thống nhất để hình thành hệ thống. Còn hiện tại, mỗi trung tâm đào tạo chơi một “phách”.

Bóng đá là môn thể thao tổng hợp của nhiều yếu tố. Chúng ta ứng dụng vào Việt Nam phải có nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, theo dõi, đưa giáo án ra cho cầu thủ thực hiện xem có hiệu quả không, rồi mới biết phương pháp đúng hay sai. Vì vậy, đào tạo trẻ của chúng ta mang tính… hên xui, may mắn lắm thì được lứa giỏi, chứ chưa có sản phẩm tốt một cách đều đặn.

Bóng đá Việt Nam phải tái cấu trúc nền tảng, xác lập lại mô hình phát triển bóng đá ở cả khía cạnh chuyên nghiệp lẫn học đường, phong trào. Ở khâu đào tạo trẻ, chúng ta cần quy tụ nguồn lực xã hội, có thêm sự chung tay từ doanh nghiệp để nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất và nguồn lực quản lý. Đào tạo trẻ cần có nhân sự điều hành và làm chuyên môn giỏi thì cầu thủ mới giỏi được.

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Exit mobile version